Chấm lượng tử. Nghe thật thú vị phải không? Đây thực sự là một công nghệ ấn tượng như chính tên gọi của nó. Các chấm lượng tử là các hạt tinh thể nano có khả năng trực tiếp chuyển đổi ánh sáng từ đèn LED màu xanh sang những màu sắc chính với độ bão hòa cao, đem lại sức sống mới cho các màn hình, trong đó có tivi.
LG, Sony và Samsung đã cho ra mắt các tivi chấm lượng tử trong những năm gần đây. Thậm chí Sony và Samsung dần chuyển hoàn toàn sự chú ý và nguồn lực của mình từ việc phát triển tivi OLED sang tivi LCD chấm lượng tử nhờ những lợi ích của nó.
Thật vậy, tại CES 2016, Samsung đã tiết lộ một loạt tivi SUHD và tất cả đều có công nghệ hiển thị chấm lượng tử.
Quan trọng hơn nữa, các chấm lượng tử là một trong những công nghệ dẫn dắt việc tạo ra các tivi với dải tương phản động mở rộng (HDR) và các tiêu chuẩn Ultra HD Premium mới. Nếu không có các chấm lượng tử, tivi gần như không đủ sáng để mang đến chuẩn HDR, nhưng điều gì làm cho chúng trở nên quan trọng đến vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu bên dưới.
Chấm lượng tử là gì?
Nói một cách đơn giản, chấm lượng tử là những hạt vô cùng nhỏ. Đường kính của chúng nằm trong khoảng 2-10 nano mét, tương đương với 50 nguyên tử. Đúng vậy, nguyên tử. Kích thước nhỏ này mang đến cho các chấm lượng tử những tính chất độc đáo để cải thiện công nghệ của chúng ta. Cụ thể, ánh sáng màu mà một chấm lượng tử phát ra có liên quan trực tiếp đến kích thước của nó.
Trong màn hình LCD thông thường và màn hình LED, màu sắc được xác định bởi một bộ lọc, điều này không tạo ra được những màu sắc chính xác hoàn toàn. Với các chấm lượng tử, các hạt nhỏ nhất luôn phát ra màu xanh, những hạt lớn hơn là màu xanh lá cây, còn những hạt lớn nhất sẽ phát ra màu đỏ..
Một tập hợp những tinh thể này với kích thước khác nhau, sẽ cho khả năng hiển thị đa dạng một dải màu sắc rộng lớn. Các tấm nền chấm lượng tử sẽ có gam màu rộng hơn 50% so với tấm nền LCD công nghệ thông thường.
Theo như Tiến sĩ Raymond M. Soneira, Chủ tịch DisplayMate, giải thích: "Thay vì sử dụng đèn LED trắng hiện tại (trong đó có phốt pho vàng) để sản xuất một phổ ánh sáng rộng, điều này khó có thể tạo ra những màu sắc bão hòa thực sự ấn tượng, thì các chấm lượng tử sẽ trực tiếp chuyển đổi ánh sáng từ đèn LED màu xanh sang những màu sắc chính dải hẹp với độ bão hòa cao cho màn hình LCD ".
Lợi ích của chấm lượng tử là gì?
Đối với màn hình LCD, những lợi ích mang lại rất nhiều. Đó là điều không phải bàn cãi.
Độ sáng tối đa của màn hình cao hơn
Một trong những lý do các nhà sản xuất tivi yêu thích các chấm lượng tử là chúng cho phép họ sản xuất ra tivi với độ sáng tối đa cao hơn nhiều. Điều này cũng mở ra một số khả năng thú vị, chẳng hạn như cho phép các tivi HDR hỗ trợ công nghệ Dolby Vision.
Nói đơn giản, Dolby Vision là công nghệ mang đến những nội dung hình ảnh với màu sắc và độ tương phản cao hơn so với những tiêu chuẩn hiện hành. Các hình ảnh có sự khác biệt lớn giữa những phần sáng nhất và tối nhất làm cho chúng trở nên sống động như thật.
Hãy tưởng tượng bạn nhìn vào cảnh mặt trời trên tivi và thực sự cảm thấy như nhìn vào mặt trời thật, bạn sẽ hình dung ra công nghệ này. Để làm được như vậy, bạn cần những chiếc tivi sáng hơn cùng với các chấm lượng tử để cung cấp hình ảnh chính xác và chân thực.
Sau khi đón nhận độ phân giải 4K, HDR là tính năng lớn tiếp theo của tivi. Tất cả các tivi hàng đầu được công bố tại CES 2016 năm nay đều có những tuyên bố rõ nét về tính năng “ dải tương phản động mở rộng " của mình. Công nghệ chấm lượng tử, cũng như OLED, cũng theo đó mà phát triển.
Độ chính xác màu sắc tốt hơn
Một lợi ích lớn khác của các chấm lượng tử là cải thiện độ chính xác màu sắc. Ánh sáng được tạo ra bởi các chấm lượng tử liên quan chặt chẽ tới kích thước của chúng, điều mà có thể được điều chỉnh vô cùng chính xác để tạo ra đúng loại ánh sáng cần thiết. Điều này có nghĩa là màu sắc sẽ thuần khiết hơn, sáng hơn và chính xác hơn.
Độ bão hòa màu cao hơn
Một lợi thế, mặc dù cũng có thể gọi là bất lợi trong một số trường hợp, của màn hình OLED so với màn hình LCD là độ bão hòa màu sắc. Màu sắc trên màn hình OLED đơn giản là 'bật' hơn nhờ dải màu rất lớn mà màn hình OLED có thể đạt được. Tuy nhiên, các chấm lượng tử có thể tăng dải màu sắc trên màn hình LCD lên khoảng từ 40% đến 50%.
Điều này thật tuyệt, nhưng sự kết hợp của độ rộng dải màu cao và độ chính xác tuyệt vời của màu sắc mới thực sự thú vị. Xét về lâu dài, tác động của các thiết bị có độ rộng màu sắc màu lớn hơn là có thể làm tăng đáng kể chất lượng của video và các nội dung khác. Cụ thể, bạn có thể thấy hình ảnh ở mức độ chi tiết bởi số lượng màu có sẵn lớn hơn.
Bước cải tiến trong việc tạo ra màu sắc này là nhằm hướng đến chất lượng hình ảnh HDR, cũng đồng nghĩa với việc áp dụng các tiêu chuẩn mới cho màu sắc, bao gồm nhiều màu sắc hơn, những màu mà chúng ta có thể nhìn thấy trong thế giới thực.
Các tiêu chuẩn hiện hành như sRGB và Rec.709, chỉ chiếm 80% các màu có sẵn trong không gian màu P3, được sử dụng bởi các tivi HDR và các nội dung chủ yếu dành cho HDR.
Không điều gì trong số này có thể xảy ra, ít nhất trên một chiếc tivi LCD, mà không cần tới chấm lượng tử.
Chúng ta có nên vui mừng về công nghệ chấm lượng tử?
Dĩ nhiên là có. Trong thực tế, các chấm lượng tử là một sự phát triển thú vị hơn nhiều so với tivi 4K ở một vài khía cạnh. Dù một hình ảnh sắc nét hơn chắc chắn là rất tuyệt, nhưng độ tương phản động - sự khác biệt giữa phần sáng nhất và tối nhất của hình ảnh - có tác động rất lớn đối với trải nghiệm của người xem. Các chấm lượng tử mang đến cho tivi LCD độ sâu màu sắc và độ tương phản nhằm nâng cao trải nghiệm xem của chúng ta. Vì vậy, lần tới khi bạn mua một chiếc tivi LCD, bạn hãy mua loại có công nghệ chấm lượng tử.
(Tham khảo: trustedreviews.com)